Trong cuộc sống văn minh hiện đại ngày nay, việc tiếp xúc giữa nam và nữ là chuyện thường tình, và cách giao tiếp cũng ngày càng đa dạng. Từ gặp gỡ, tiếp xúc đến xã giao, thù tạc để nảy sinh tình bè bạn, tình đồng nghiệp là điều chắc chắn. Tuy nhiên, trong những mối quan hệ làm ăn hay quan hệ xã hội đó, đôi khi làm người ta nảy sinh thứ tình cảm trên cả bè bạn, thứ tình cảm ngoài chồng, ngoài vợ từ những phút yếu lòng, có thể dẫn đến sa ngã; thậm chí, đe dọa hạnh phúc gia đình.
Làm thế nào để có thể vượt qua những cám dỗ tưởng có thể dẫn người ta đến phản bội sự chung thủy vợ chồng? Đâu là bối cảnh, nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã đó? Để giải đáp những câu hỏi này, Thầy Phanxicô Nguyễn Ngọc Phát, chuyên viên đào tạo nguồn nhân lực và kỹ năng sống, đã chia sẻ đề tài “VƯỢT QUA NHỮNG KHOẢNH KHẮC YẾU LÒNG TRONG HÔN NHÂN” vào chiều Thứ Bảy, ngày 28/12/2013, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.
Dẫn nhập: Từ hạnh phúc đến tan vỡ
Mở đầu buổi chia sẻ, Thầy Phanxicô kể lại câu chuyện người bạn vừa mới hoàn tất thủ tục ly dị vợ sau sáu năm chung sống, họ có với nhau một bé trai kháu khỉnh. Chuyện tình của họ thật đẹp: cách đây khoảng 8 năm, trong một lần lên mạng tìm nghe sách nói, anh đã như bị hớp hồn khi nghe giọng đọc truyền cảm của một nữ phát thanh viên. Từ việc cảm nhận giọng đọc này, anh đã tơ tưởng đến một người con gái đẹp và cất công tìm kiếm, làm quen, chinh phục. Sau gần 2 năm tìm hiểu, họ đã quyết định đi đến hôn nhân với sự chúc phúc của họ hàng, bạn bè thân hữu. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ có nhiều thuận lợi khi gia đình hai bên góp tiền cho đôi bạn mua một căn hộ chung cư. Năm thứ nhất của đời sống hôn nhân trôi qua êm đềm và hạnh phúc. Năm thứ hai đôi bạn đón chào thành viên thứ ba trong gia đình ra đời. Lúc này, chị phải ở nhà chăm sóc con, mọi gánh nặng kinh tế giờ đây đổ lên vai anh. Sự bươn chải, áp lực công việc và cuộc sống đã khiến anh từ một chàng trai lịch lãm, luôn ga lăng và yêu chiều vợ trở thành một người cáu gắt, khó gần và lạnh lùng.
Cách đây 3 tháng, anh chị ra tòa làm thủ tục ly hôn với lý do: anh đã ngoại tình, và vợ anh không chấp nhận được điều đó mặc dù anh đã hết lòng van xin để được tha thứ. Anh nói rằng mình rất thương vợ con nhưng hỏi vì sao anh ngoại tình, anh im lặng, thở dài mà không trả lời.
Các cặp vợ chồng khi đến với nhau trong hôn nhân đã thề chung sống với nhau cho đến trọn đời, đến răng long đầu bạc; không ai nghĩ rằng một ngày nào đó, cả hai phải đưa nhau ra tòa để làm thủ tục ly hôn. Có những cuộc hôn nhân thật chóng vánh, chỉ vài tháng sau một lễ cưới rình rang. Có những cuộc hôn nhân được vài ba năm, có những cuộc hôn nhân được mươi năm và cũng có trường hợp người ta dẫn nhau ra tòa khi tóc đã lấm chấm muối tiêu.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy? Tại sao người ta đi đến quyết định chấm dứt kế hoạch gia đình mà họ đã xây dựng với biết bao nhiêu ước mơ, hoài bão và những dự phóng tốt đẹp cho tương lai. Có nhiều lý do dẫn đến hôn nhân tan vỡ, trong đó có ngoại tình. Theo số liệu thống kê của Tòa án Tối cao năm 2010 thì ngoại tình chiếm tỷ lệ 25,9% các vụ ly hôn.
Câu hỏi kế tiếp là tại sao người ta ngoại tình khi người ta đã thề sống chung thủy với nhau? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngoại tình, có những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ người trong cuộc, nhưng cũng có những nguyên nhân khách quan xuất phát từ bên ngoài gia đình. Nhưng dù là nguyên nhân nào đi nữa thì ngoại tình cũng là kết quả của những “khoảnh khắc yếu lòng” trong hôn nhân, đó là những thời điểm mà người trong cuộc có những suy nghĩ hay hành động xa rời hay đi ngược lại với tình yêu chung thủy vợ chồng.
Trong phạm vi buổi nói chuyện, Thầy Phanxicô đã chia sẻ cùng cộng đoàn một chủ đề mà qua đó thầy hy vọng sẽ giúp những người trong cương vị làm chồng, làm vợ vượt qua được những phút yếu lòng trong đời sống hôn nhân, để có được một mái ấm gia đình hạnh phúc và thủy chung.
Bối cảnh xã hội ngày nay
Để thấy được tầm quan trọng của việc vượt qua được những khoảnh khắc yếu lòng trong hôn nhân, chúng ta hãy nhìn lại bối cảnh xã hội ngày nay có những tác động như thế nào đối đời sống gia đình.
Những tác động của kinh tế và văn hóa lên gia đình
Kể từ khi Việt Nam mở cửa ra với thế giới, nhất là khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, hội nhập với tiến trình toàn cầu hóa của thế giới, nền kinh tế đã có nhiều biến chuyển tích cực và các cơ hội kinh doanh từ đó được mở ra. Người dân và các gia đình có hai lựa chọn, hoặc là trực tiếp xây dựng và điều hành các cơ sở kinh doanh (như từ gia công may mặc nay chuyển sang công ty may), hoặc làm công ăn lương với nhiều cơ hội việc làm mở ra. Đời sống người dân nhờ đó được cải thiện, không ít gia đình đã tạo nên những nền tảng vững chắc về tài chánh.
Cùng với việc mở cửa kinh tế, các nền văn hóa thế giới cũng đã du nhập vào Việt Nam và tạo nên những ảnh hưởng nhất định. Theo trào lưu của văn hóa phương Tây, lối sống cá nhân được đề cao tạo nên chủ nghĩa vị kỷ cá nhân, người ta chú trọng đến quyền lợi cá nhân, lợi ích cá nhân, tư duy cá nhân làm phát triển tính vị kỷ cá nhân. Người ta quan niệm rằng, con người làm việc để hưởng thụ, muốn có sự thoải mái cho bản thân, thiếu vắng sự chia sẻ đối với người khác. Chẳng hạn như sự thờ ơ, lạnh lùng của một số bạn trẻ trước những vấn đề nóng hổi của xã hội hay chỉ chăm bẵm đến quyền lợi, nhiều khi không phải của mình, mà quên đi nỗi đau của người khác, mà vụ “hôi của” xe bia lật mới đây là vụ việc điển hình.
Chủ nghĩa thực dụng trong hôn nhân: Người ta đến với hôn nhân vì tiền tài, danh vọng. Có nhiều bạn trẻ mong muốn đổi đời cho bản thân, cho gia đình bằng cách lấy chồng ngoại quốc mà đánh mất phẩm giá của mình. Cũng không thiếu những cô gái trông chờ vào những lợi ích do hôn nhân mang lại, người ta nhắm vào những người giàu sang, có địa vị, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, là những yếu tố cân nhắc để tiến đến hôn nhân.
Sống vội và thiếu chiều sâu: Một câu quảng cáo nói rằng “sống là không chờ đợi”, đó là câu quảng cáo nói đến phong cách sống của ngày hôm nay, với quan niệm rằng nếu có cơ hội phải chụp giật ngay chứ đừng lưỡng lự. Theo một khảo sát tiến hành trên 300 sinh viên ở nội thành Hà Nội, hơn 10% nam sinh viên và 7,5% nữ sinh viên đã từng có quan hệ tình dục. Đáng chú ý, khi đi sâu vào kết quả khảo sát, trong gần 40% số người đã quan hệ tình dục lại có quan hệ với người khác (31% là nam và 8% là nữ). Trung bình độ tuổi có quan hệ tình dục là 19,7, trong đó nam là 19,5 và nữ là 20,1 tuổi. Tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng và ngày càng trẻ hóa.
Chủ nghĩa độc thân phát triển: Nhìn vào bối cảnh xã hội ngày ngay, người ta thấy có nhiều cơ hội làm ăn, cơ hội làm việc; nếu lập gia đình sẽ không đủ thời gian cho những cơ hội đó. Họ lại muốn có con nhưng không muốn bị hôn nhân ràng buộc, vì thế đã dấy lên phong trào đơn thân nuôi con, và sống độc thân nhưng vẫn cần quan hệ tình dục. Đây là một gánh nặng cho xã hội, vì khi đứa trẻ sống trong môi trường có cha mà không có mẹ hoặc ngược lại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cân bằng của trẻ, trẻ sẽ lệch lạc trong lối sống. Khi vào đời, thường trẻ sẽ kém tự tin nếu chỉ sống với mẹ hoặc có tính khí nóng nảy, quá quyết đoán, thậm chí độc tài nếu chỉ sống với cha.
Những tác động trên đã ảnh hưởng lên mối quan hệ các thành viên trong gia đình:
Quan hệ cha mẹ và con cái lỏng lẻo: Gia đình ít con nên nuôi dạy tốt hơn, từ đó đâm ra nuông chiều quá đáng. Cha mẹ bị cuốn vào công việc, ít có thời gian quan tâm và chăm sóc con cái và phó mặc cho nhà trường việc giáo dục con. Con cái trưởng thành chủ yếu từ môi trường xã hội nhiều hơn là nhờ môi trường gia đình, dễ bị ảnh hưởng bởi những tói hư tật xấu.
Môi trường gia đình dân chủ hơn: Sự gia trưởng, độc đoán của người cha đang dần bị dẹp bỏ. Cha mẹ đều là những người chủ gia đình, con cái được nói lên những suy nghĩ của mình.
Quan hệ vợ chồng bình đẳng hơn: Người phụ nữ được dấn thân trong các công việc xã hội, thậm chí có địa vị cao, được tạo ra thu nhập, đóng góp vào kinh tế gia đình, do đó vai trò vợ chồng trở nên bình đẳng hơn.
Chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ của vợ chồng phát triển: Cùng với môi trường gia đình bình đẳng hơn thì lòng tự ái, sĩ diện cá nhân, chỉ lo thỏa mãn nhu cầu cá nhân lắm khi đưa đến những cuộc ly hôn. Quyền tự do ly hôn được pháp luật thừa nhận đã đưa đến tình trạng quyết định ly hôn vội vã, thiếu cân nhắc về trách nhiệm và hậu quả.
Tình trạng ly hôn
Nhiều tác động qua lại của bối cảnh xã hội đã làm tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam tăng rất nhanh. Năm 1994 Dân số Việt Nam khoảng 70 triệu người, số vụ ly hôn là 22.000. Năm 2010, dân số khoảng 86 triệu người, số vụ ly hôn là 97.269. Từ năm 2005 đến 2010 tỷ lệ ly hôn tăng đột biến.
Theo khảo sát về tỷ lệ ly hôn theo độ tuổi thì độ tuổi từ 18-30 là 34.7%, 30-50 tuổi là 56% và sau 50 là 8.7%.
Về tình trạng ly hôn thì tỷ lệ ly hôn tại đô thị gấp đôi nông thôn, nữ chủ động ly hôn gấp đôi nam giới, nhóm giàu nhất có tỷ lệ ly hôn cao gấp đôi nhóm nghèo nhất. Tỷ lệ ly hôn tại Sài Gòn đứng cao nhất nước với tỷ lệ là 1/3.
Các nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn: Không hòa hợp lối sống (27,7%); ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6.7%).
Hậu quả của ly hôn: Chán chường, tuyệt vọng, trầm cảm, giảm tuổi thọ, nhất là đối với phụ nữ. Sau ly hôn, con nhỏ thường ở với mẹ, người chồng có trách nhiệm chu cấp (đôi khi không thực hiện trách nhiệm này). Một bộ phận phụ nữ vì nhìn thấy viễn cảnh gia đình mâu thuẫn, có khả năng dẫn đến ly hôn, nên quyết định lựa chọn cuộc sống đơn thân nuôi con, điều đó làm gia tăng tình trạng phụ nữ nuôi con một mình. Ly hôn còn làm ảnh hưởng trên tuổi thơ con trẻ: Mỗi năm tại Sài Gòn có khoảng 50 ngàn trẻ có cha mẹ ly hôn, trong đó khoảng 30% lang thang trên đường phố xuất thân từ hoàn cảnh này.
Nhận diện những nguy cơ dẫn đến sự yếu lòng
Để vượt qua được những phút yếu lòng trong hôn nhân thì cần biết rõ các giai đoạn hôn nhân và mỗi giai đoạn có những đặc điểm và tiềm ẩn những rủi ro gì.
Năm giai đoạn trong đời sống hôn nhân:
Giai đoạn lãng mạn: Đây là giai đoạn vợ chồng mới cưới nhau, đời sống tình dục chiếm vị trí quan trọng. Sự hấp dẫn về phái tính và sự hấp dẫn của khao khát khám phá có thể làm lu mờ và làm cho người ta dễ chấp nhận những khuyết điểm của nhau. Vợ chồng quấn quýt nhau, đi đâu cũng có nhau, nếu sống chung với gia đình nội ngoại sẽ tạo sự khó chịu.
Giai đoạn xung đột: Sau một vài năm ấm áp và lãng mạn, vợ chồng dần khám phá sự thật về nhau trong từng ứng xử. Khi sự hấp dẫn về phái tính đã giảm đi, người ta nhìn rõ hơn các khuyết điểm của nhau. Lúc này có thể vợ chồng đã có con, trách nhiệm và gánh nặng gia đình ngày càng nhiều, đôi khi cảm thấy mệt mỏi. Về mặt sinh lý, người vợ có khuynh hướng dồn nhiều sự quan tâm cho đứa con, nhất là đứa con đầu lòng, do sự mong đợi đứa con dồn nén trong thời kỳ thai nghén cũng như chưa có kinh nghiệm làm mẹ, chưa cân đối được sự quan tâm trong gia đình. Bên cạnh đó, đôi khi người chồng cũng không quan tâm giúp đỡ trong việc chăm sóc con cái làm cho việc chăm con của người vợ mỏi mệt, làm cho quan hệ vợ chồng thưa thớt, nhiều khi trở nên đơn điệu và nhàm chán. Đây chính là cơ hội để phát sinh ra những phút yếu lòng của người chồng và là giai đoạn nguy hiểm của hôn nhân. Tỷ lệ ly hôn ở giai đoạn này khá cao.
Giai đoạn hợp tác: Vợ chồng đã có 2 con hoặc nhiều hơn. Áp lực cuộc sống nhiều hơn, bận tâm hơn với cuộc mưu sinh nhiều hơn, có khả năng ít quan tâm và chăm sóc bản thân, chăm sóc lẫn nhau. Đời sống tình dục nhàm chán do sự thay đổi của cơ thể của người phụ nữ sau nhiều lần sinh đẻ và cũng là giai đoạn xuống dốc về mặt ngoại hình của người phụ nữ. Đây là cơ hội cho những người đàn ông có thói trăng hoa biện hộ cho những yếu lòng của mình.
Giai đoạn chấp nhận: Nếu vượt qua được các giai đoạn trước thì đến đây vợ chồng phải chấp nhận nhau, phần nhiều do muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình nên phải thích nghi. Sự ổn định và thành đạt là yếu tố vừa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực khi nó đảm bảo được an toàn tài chánh cho gia đình, nhưng tiêu cực khi sự yên ổn hoặc sự dấn thân quá mức tạo nên những hệ lụy cho gia đình. Quan hệ trong gia đình lỏng lẻo do công việc, con cái lớn dần và có những quan điểm riêng. Lệch pha về đời sống tình dục do người vợ đang ở độ tuổi về chiều trong khi nhu cầu của chồng vẫn cao, đây là thử thách rất lớn của người đàn ông. Điều này chỉ có thể giải quyết được bằng sự cảm thông và tình yêu dành cho nhau.
Giai đoạn biến đổi: Giai đoạn này thường vợ chồng đã hơn 50 tuổi, khi con cái đã trưởng thành và ra đời, các vấn đề về mưu sinh cuộc sống đã ổn thỏa, các đôi vợ chồng cảm thấy cần có nhau và gắn bó với nhau hơn. Đặc biệt, khi đã có cháu nội, cháu ngoại, thì sự tập trung của vợ chồng dành cho gia đình nhiều hơn.
Khi nhìn lại các giai đoạn của hôn nhân, người ta thấy rằng giai đoạn lãng mạn và giai đoạn biến đổi ít rủi ro về mặt tình cảm hơn các giai đoạn khác. Giai đoạn xung đột và hợp tác, nhất là giai đoạn xung đột tiềm ẩn rủi ro nhiều nhất vì người ta thấy cái xấu của nhau và tình cảm không còn mặn nồng như trước đây.
Những khoảnh khắc yếu lòng
Những rủi ro, những phút yếu lòng có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của hôn nhân. Khoảnh khắc yếu lòng là thời điểm mà vợ hay chồng dễ hình thành những suy nghĩ hay hành động xa rời hay đi ngược lại với tình yêu chung thủy trong hôn nhân.
Cơ chế hình thành khoảnh khắc yếu lòng: Từ những tác nhân, sự kiện tưởng chừng như tình cờ làm cho người ta có những suy nghĩ, cảm nhận về sự việc xảy ra, từ đó thúc bách thể hiện bằng lời nói, hành động.
Chẳng hạn, nguyên nhân dẫn đến ngoại tình của người đàn ông trong câu chuyện dẫn nhập xảy ra do tác nhân, sự kiện là anh ta ăn trưa tại cơ quan do đồ ăn tự mang theo, một đồng nghiệp nữ chia sẻ món thịt kho, anh cảm nhận rất ngon. Chiều về ăn cơm do vợ nấu, cũng là món thịt kho, nhưng kém xa. Anh ta có suy nghĩ, cảm nhận bằng cách so sánh người ta nấu ăn ngon thế mà sao vợ mình thì… Lời nói, hành động tiếp theo của anh ta là có cảm tình hơn với đồng nghiệp nữ, có ấn tượng không tốt về cách nấu ăn của vợ mình. Từ những suy nghĩ đó, dần dần anh ta sa ngã, ngoại tình với người đồng nghiệp nữ kia và dẫn đến ly hôn, gia đình tan vỡ.
Một vấn nạn phổ biến hiện nay có nguyên nhân từ những phút yếu lòng chính là ngoại tình nơi công sở. Đó là những người yêu nhau tại nơi làm việc, cả hai người đều có gia đình hoặc một trong hai người đã có gia đình. Ngoại tình nơi công sở dễ xảy ra do áp lực công việc đè nặng trên những người đi làm, do đó họ dễ có sự cảm thông để đến với nhau. Nơi làm việc là nơi người ta nhìn thấy được hết tài năng, bản lĩnh xử lý công việc của những người thực hiệc công việc. Chính vì vậy, người ta dễ nảy sinh lòng ngưỡng mộ lẫn nhau. Thời gian nơi công sở khá nhiều và vui buồn đều xảy ra nơi này, với điều kiện tiếp xúc với nhau gần gũi gây ra cám dỗ đến với nhau. Ngoại tình nơi công sở dễ làm cho người ở nhà tưởng rằng mọi chuyện bình thường, sáng đi tối về, đúng giờ đúng giấc, không biết vấn đề xảy ra nên không nghi ngờ.
Khoảnh khắc yếu lòng hình thành trong gia đình là do bất hòa, thiếu tôn trọng, thiếu quan tâm, cô đơn, không trò chuyện, không đối thoại, không chăm sóc bản thân, nghèo khổ, giàu có. Nó cũng được hình thành bên ngoài gia đình do tình cảm nơi công sở, những cuộc vui, những chuyến công tác xa nhà.
Vượt qua những khoảnh khắc yếu lòng
Cơ thể con người để có được kháng thể thì phải có hệ miễn dịch. Đối với đời sống hôn nhân để có được kháng thể cho hôn nhân, thì phải có được hệ miễn dịch cho hôn nhân. Hệ miễn dịch đó bao gồm tình cảm vợ chồng đối với nhau, là tình yêu. Nhiều khi vợ chồng có tình yêu nhưng lại không thông cảm nhau, do đó cần yếu tố thứ hai là tôn trọng nhau. Tình yêu không thôi chưa đủ mà còn cần phải có sự tôn trọng đối với người khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời thề hứa trong bí tích Hôn Phối gồm cả 2 yếu tố này: “…để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”. Bên cạnh đó, cần phải đối thoại với nhau để cùng nhau giải quyết những vấn đề. Cuộc sống chung vợ chồng chắc chắc sẽ có những xung đột, vì vậy cần lắm sự tha thứ những lỗi lầm cho nhau.
Từ hệ miễn dịch này sẽ tạo ra những kháng thể của hôn nhân:
- Đời sống tình dục hòa hợp: Sự hòa hợp về đời sống tình dục ở bất cứ giai đoạn nào của hôn nhân sẽ giúp đôi vợ chồng có sự liên đới với nhau hết sức chặt chẽ về mặt thể xác cũng như tinh thần.
- Tình yêu dành cho con cái: Hôn nhân sẽ rất dễ tan vỡ khi hai vợ chồng không có con, tình yêu cả hai dành cho con cái sẽ giúp tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng.
- Thiện chí hòa hợp về lối sống: người chồng, người vợ được sinh ra và trưởng thành trong những hoàn cảnh, môi trường sống, quá trình hình thành nhân cách hoàn toàn khác nhau, khi kết hợp để sống chung với nhau, mỗi người có một văn hóa, lối sống khác nhau. Để hai người hòa hợp với nhau là cả một quá trình lâu dài và khó có thể hòa hợp hoàn toàn. Vì thế, rất cần thiện chí hòa hợp với nhau để giữ gìn, vun đắp hôn nhân.
- Thời gian dành cho nhau: Vợ chồng cần có những giây phút riêng tư cho nhau để cuộc sống hôn nhân không chỉ là nghĩa vụ mà là tình cảm dành cho nhau.
- Kinh tế ổn định: Cuộc sống hôm nay gây ra cho gia đình những áp lực về kinh tế như: tương lai của con cái, những kế hoạch của gia đình trong tương lai. Không có được điều kiện về kinh tế để thỏa mãn những điều đó, có thể tạo nên bầu khí nặng nề trong gia đình.
Có được những kháng thể trên, tuy rằng những giây phút yếu lòng vẫn có thể hình thành nhưng nhờ vào nền tảng vững chắc sẽ giúp người vợ, người chồng dễ dàng vượt qua những cám dỗ vốn dĩ có thể dẫn đến nguy cơ tan vỡ hôn nhân. Để có thể thực hiện những điều này, cần có những hành vi cụ thể: Giữ hình ảnh đáng yêu nhất của vợ/chồng. Nhớ câu nói đáng yêu nhất của con cái. Giữ bên mình những vật kỷ niệm. Nhớ giờ này anh/em/con đang làm gì. Hãy biết “nhắm một mắt” để không chỉ thấy cái xấu của người bạn đời, để dễ dàng chấp nhận nhau.
Tất cả những điều kể trên nhằm tạo nên hệ miễn dịch và kháng thể cho hôn nhân chỉ là điều kiện cần. Vì thế, để hôn nhân bền vững phải có thêm đời sống đạo đức trong hôn nhân, là đời sống đức tin, đạo đức Kitô giáo để vợ chồng có thể sống trọn vẹn trong tình yêu, sự tôn trọng, cảm thông và giáo dục con cái một cách tròn đầy với niềm xác tín mọi sự đều là hồng ân Thiên Chúa trao ban và hôn nhân là một bí tích đòi hỏi sự chung thủy đến trọn đời: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
Tạ Ân Phúc
Xin"click" lên ảnh nhỏ để xem các hình trong album này