Di chúc và quyền thừa kế (Bài viết CĐ191)

    By Phong Linh Tháng 1 08, 2014 10026

    “Không biết từ khi nào, ảnh hưởng của nền văn hóa trọng tình, trọng đức, trọng văn… đã thấm sâu vào nền nếp gia đình Việt Nam. Kết quả là, cách ứng xử văn hóa trong quan hệ gia đình thường đề cao tinh thần anh em thuận hòa, vợ chồng thủy chung, trên kính dưới nhường... ít chú trọng đến quy tắc ứng xử công bằng, hợp lý trong vấn đề phân chia tài sản, hoặc coi đó như việc tế nhị, riêng tư tùy thuộc mỗi gia đình.”

    Tai-san-de-lai-cho-nguoi-02

     

    Bàn về vấn đề phân chia tài sản trong gia đình, việc viết di chúc và quyền thừa kế theo pháp luật Việt Nam hiện hành, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã tổ chức chuyên đề 191: "Tài sản để lại cho người" do luật sư Lương Ánh Trình, luật sư đoàn TPHCM, thuyết trình. Đây là buổi chuyên đề đem lại nhiều ấn tượng và giải đáp nhiều thắc mắc cho khán giả.

    Bài thuyết trình được chia 5 phần:

    - Những quy định chung về thừa kế.

    - Thừa kế theo pháp luật.

    - Thừa kế theo di chúc.

    - Thời hiệu khởi kiện.

    - Khai di sản và thỏa thuận phân chia di sản.

    I. Những quy định chung

    1. Khái niệm về thừa kế: Thừa kế là tiếp nối, kế thừa sở hữu tài sản của người chết để lại cho người sống.

    2. Khái niệm về di sản: Là tài sản riêng của người chết cộng với tài sản chung của người đó với người khác.

    Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, theo Điều 633 Bộ Luật Dân Sự (Đ 633 BLDS). Trong một số trường hợp, người chết do mất tích hay vì lý do nào không xác định rõ ràng được thời điểm người đó chết thì thời điểm mở thừa kế sẽ được tính khi tòa án tuyên bố người đó chết.

    3. Thời điểm phát sinh quyền nghĩa vụ của người thừa kế là thời điểm mở thừa kế. Chẳng hạn, người cha chồng đi để lại cho vợ mình 2 tỷ, nhưng ông ta còn nợ người khác 1 tỷ, thì khi ông chết, người vợ có nghĩa vụ trả nợ 1 tỷ cho chồng.

    Một ví dụ về việc xác định tài sản chung và tài sản riêng: Năm 2000, bà A tạo lập 1 căn nhà. Đến năm 2005, bà A kết hôn với ông B. Năm 2006, hai ông bà AB tạo dựng tài sản 1 căn nhà chung. Như vậy, nếu vẫn để tên bà A thì căn nhà trước hôn nhân là tài sản riêng. Trường hợp sau khi kết hôn mà căn nhà riêng đó làm lại giấy tờ mang tên hai ông bà thì nó trở thành tài sản chung.

    Đến năm 2008, ông B thừa kế 1 căn nhà của cha mẹ, nếu ghi tên ông B thì đó là tài sản riêng của ông B.

    4. Điều 641. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm: Trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 677 của Bộ luật này.

    Điều 677. Thừa kế thế vị: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.         

    Ví dụ: Ông A có 1 tỷ, ông có một con trai là B. Vợ ông B là bà C, hai vợ chồng ông B chưa có con. Hai bố con ông A và B đi trên một chuyến bay tử nạn cùng thời điểm. Như vậy, chiếu theo luật thì bà C không được hưởng thừa kế 1 tỷ của ông A để lại.

    5) Những người không được hưởng di sản:

    a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

    b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

    c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

    d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản (Đ 643 BLDS). Trừ trường hợp người để lại Di sản biết hành vi của những người này nhưng vẫn cho họ hưởng theo Di chúc.

    6. Từ chối nhận di sản (Đ 642 BLDS)

    a. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

    b. Việc từ chối phải lập văn bản.

    c. Thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế.

    II. Thừa kế theo pháp luật:

    1. Trường hợp áp dụng bao gồm:

    - Không có di chúc;

    - Di chúc không hợp pháp;

    - Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc;

    - Cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

    - Những người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản nghĩa là nội dung di chúc không rõ ràng.

    2. Những người thừa kế theo pháp luật:

    Hàng thừa kế thứ 1 gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

    Hàng thừa kế thứ 2 gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.

    Hoặc cháu ruột của người chết mà người chết là ông/bà nội hoặc ngoại.

    Hàng thừa kế thứ 3 gồm: Cụ nội, cụ ngoại, bác/chú/cậu/cô/dì/cháu/chắt (ruột) của người chết.

    Thứ tự hàng thừa kế được tính ưu tiên từ 1 đến 2 và 3: Khi hàng thừa kế trước không còn thì hàng thừa kế sau được hưởng.

    3. Thừa kế thế vị: (Đ 677 BLDS)

    Khi con của người để lại di sản chết trước (cùng) thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản của cha (mẹ) được hưởng khi còn sống.

    Một ví dụ: Ông A đã mất vợ, ông có 3 con: Con B không có vợ và đã mất trước bố; Con C có vợ con và con C cũng chết trước bố; Con D có vợ con và tất cả còn sống. Như vậy, khi ông A mất, người được hưởng quyền thừa kế là ông D và con của ông C.

    Trong thừa kế thế vị, con dâu và con rể không được hưởng. Ở đây, vợ ông C không được hưởng.

    4. Thừa kế giữa con nuôi với cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ (Đ 678 BLDS): Con và cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ được Thừa kế di sản của nhau và được thừa kế thế vị.

    5. Thừa kế giữa con riêng  với cha dượng, mẹ kế (Đ 679 BLDS): Nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và thừa kế thế vị.

    6. Thừa kế vợ chồng (Đ 680 BLDS)

    Đây là dạng thừa kế ở hàng thừa kế thứ 1. Chẳng hạn, hai vợ chồng ông A có 3 người con. Hai vợ chồng ông A có 8 tỷ. Khi ông A chết, 8 tỷ sẽ được chia đôi: bà vợ ông A được hưởng một nửa là 4 tỷ; nửa còn lại chia làm 4 phần cho vợ và 3 con ông A, mỗi phần này được gọi là một "kỷ phần". Bà vợ ông A được hưởng thêm 1 kỷ phần nữa. Như vậy, bà vợ ông A được hưởng tổng cộng là 5 tỷ, mỗi đứa con của ông được hưởng 1 tỷ.

    Trong trường hợp hai vợ chồng đã chia tài sản chung nhưng hôn nhân còn tồn tại thì cả hai vẫn có quyền thừa kế của nhau.

    Trưởng hợp Đang ly hôn (chưa có bản án có hiệu lực Pháp luật) thì hai vợ chồng có quyền thừa kế của nhau.

    Vợ (chồng) được quyền thừa kế tài sản của nhau tại thời điểm người kia (vợ hoặc chồng) chết, dù cho người còn lại kết hôn với người khác.

    III. Thừa kế theo di chúc

    Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Đ 646 BLDS).

    Người lập Di chúc: (Đ 647 BLDS);

       - Phải là người đã thành niên (đủ 18 tuổi);

       - Trừ trường hợp người bị tâm thần, những người không nhận thức và làm chủ hành vi của mình;

       - Người từ 15 tuổi cho đến chưa đủ 18 tuổi có quyền lập di chúc, nếu được cha mẹ và người giám hộ đồng ý.

    1. Di chúc bằng văn bản (Đ 650 BLDS)

    Có 4 loại:

    - Di chúc có công chứng: Người lập di chúc được phòng công chứng chứng nhận. Những tài sản trong di chúc phải được kê khai và có đủ giấy tờ về quyền sở hữu của người lập di chúc

    - Di chúc do UBND cấp xã chứng nhận: di chúc được chứng nhận tại Ủy ban Nhân dân phường - xã. Trường hợp này, người lập di chúc cũng phải có đủ giấy tờ hợp lệ về những tài sản mà mình đang sở hữu nay muốn di chúc lại cho người khác.

    - Di chúc có 2 người làm chứng: Người lập di chúc nếu trên 60 tuổi, phải khám sức khỏe và được thừa nhận là đang minh mẫn. Hai người nhân chứng phải là hai người không có liên quan đến thừa kế. Vì thế, luật sư khuyên người lập di chúc nên chọn những người lối xóm hoặc bạn bè thân cận.

    - Di chúc không có người làm chứng: Đây là loại di chúc do người lập di chúc tự viết và ký tên. Phải ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, nơi ở của cả người lập di chúc và người thừa kế di chúc.

    Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc (Đ 662 BLDS):

    Một điều cần nhớ: Di chúc thì có thể thay đổi, có thể hủy bỏ để làm lại, viết di chúc khác, nhưng tài sản đã làm thủ tục cho hoặc tặng thì không thể sửa đổi được. Luật sư Lương Ánh Trình khuyên khán giả cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi làm thủ tục cho, tặng tài sản của mình cho ai đó. Không thiếu những trường hợp cha mẹ già làm thủ tục cho, tặng căn nhà cho con, sau đó con cái ngược đãi cha mẹ, không chăm sóc cha mẹ, lúc đó cha mẹ không thể sửa đổi quyết định của mình. Bởi vì, từ khi làm thủ tục cho, tặng tài sản thì người nhận sẽ được quyền sở hữu hợp pháp.

    Bổ sung: Di chúc đã lập cùng với phần bổ sung sẽ có hiệu lực Pháp luật như nhau.

    Nếu phần bổ sung khác với di chúc đã lập thì phần bổ sung cũng có hiệu lực trong di chúc.

    Huỷ bỏ di chúc là khi người lập di chúc không công nhận di chúc do mình lập ra trước đó. Khi viết một di chúc mới thay thế cho di chúc cũ thì di chúc trước bị hủy bỏ. Di chúc thay thế có hiệu lực.

    Nếu là di chúc viết chung của hai vợ chồng (Đ 664 BLDS), thì phải được sự đồng ý của cả hai người. Trường hợp một người chết mà người còn lại chỉ có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.          

    Bên cạnh việc viết di chúc bằng văn bản, còn có loại di chúc miệng: Di chúc này thường được sử dụng khi tính mạng bị đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác. Di chúc này sẽ hủy bỏ sau 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người đó còn sống.    

    2. Thừa kế theo di chúc:                            

    Câu hỏi được đặt ra: có phải những ai được di chúc là được hưởng toàn bộ tài sản cho người viết di chúc để lại? Người thân mà không được di chúc thì không được thừa hưởng gì?

    Theo điều 669 (BLDS): Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

    1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

    2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

    Ví dụ: ông A có vợ và cha mẹ của ông đã qua đời. Ông có 3 người con là B, C, D. Ông A có 9 tỷ đồng. Ông lập di chúc chỉ cho B và C. Trong khi đó con D dưới 18 tuổi. Theo pháp luật bình thường thì cả 3 người con đều được hưởng, mỗi kỷ phần là 3 tỷ. Nhưng vì ông A không di chúc cho D, nên D chỉ được hưởng 2/3 của một kỷ phần (tức là D được 2 tỷ). Số còn lại sẽ chia đều cho B và C.

    Thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện được tính 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

    Sau 3 tiếng diễn giải về toàn bộ nội dung của di chúc và thừa kế tài sản trong gia đình cũng như phần dâng cúng cho nhà thờ, dòng tu, luật sư Lương Ánh Trinh đã trả lời thắc mắc của nhiều anh chị em đến từ các giáo xứ.

    Buổi thuyết trình của luật sư thật sự có ý nghĩa lớn đối với Chương trình Chuyên đề Giáo Dục, nó góp phần làm cho chương trình thêm phong phú và phát triển, đồng thời đã đem lại cho khán giả nhiều giải đáp về pháp luật trong việc phân chia tài sản và kế thừa trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

    Tác giả: Phong Linh

    Hình ảnh: Tạ Ân Phúc

    Rate this item
    (2 votes)
    © 2018 Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục. Designed By JBosS

    Please publish modules in offcanvas position.