Hội nghị Mục vụ Gia Đình Giáo tỉnh Sài Gòn tại Giáo phận Phan Thiết

    By Phanxicô Xavie Trần Anh Dũng Tháng 4 16, 2016 3195

    HỘI NGHỊ MỤC VỤ GIA ĐÌNH GIÁO TỈNH SÀI GÒN

    TẠI GIÁO PHẬN PHAN THIẾT NGÀY 13 – 14/04/2016

    Đức Thánh Cha Phanxicô là mẫu gương sống động trong công việc mục vụ gia đình, đặc biệt ngài quan tâm đến vùng ngoại vi. Ngài đã không viếng thăm các giáo xứ ở trung tâm kinh thành Rôma, thay vào đó, Ngài đã đến với các nhà thờ vùng ven. Khi du hành ra ngoài Âu Châu, Đức Thánh Cha đã chỉ chọn tới nước Albanie và Bosnia Herzegovina.

    Ngày 08/04/2016, ngài công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục tựa đề “Amoris Laetitia” (Niềm vui của Tình Yêu), một Tông huấn mà cả thế giới mong chờ, trong đó  Việt Nam cũng quan tâm đưa  tin trên báo với tựa đề “Giáo hoàng công bố bản chỉ dẫn về hôn nhân và gia đình”. (Tuổi trẻ, ngày 09/04/2016)

    Hòa trong dòng chảy của Hội Thánh, Mục Vụ Gia Đình (MVGĐ) giáo tỉnh Sài Gòn đã tổ chức cuộc họp 2 ngày 13, 14/04/2016 tại giáo phận Phan Thiết. Đúng 8g00 sáng ngày 13/04 đại biểu các giáo phận đã có mặt tại Tòa Giám Mục Phan Thiết.

    Hoi nghi MVGD giao tinh Sai Gon 01

    Khai mạc cuộc họp, cha Phêrô  Nguyễn Xuân Anh Tổng Đại Diện Giáo phận Phan Thiết kiêm Phó Thư ký UBMVGĐ, chào mừng Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn Phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam kiêm Thư ký Ủy ban Mục vụ Gia Đình (UBMVGĐ) cùng 16 linh mục Trưởng, Phó Ban MVGĐ thuộc 9 giáo phận và 3 giáo dân trong UBMVGĐ, 1 giáo dân thuộc Ban MVGĐ giáo phận Phan Thiết.

    Cha Phó Thư Ký chia sẻ giáo phận Phan Thiết là giáo phận bé nhỏ, được thành lập thứ 25, cho nên còn khó khăn trăm bề.  Tuy vậy, rất vui mừng khi được đón tiếp quý cha và quý anh từ những giáo phận xa xôi đến viếng thăm nơi bé nhỏ này.

    Hoi nghi MVGD giao tinh Sai Gon 02

    Sau đó, ngài mời quý cha chia sẻ tình hình mục vụ gia đình của giáo phận nhà. Lần lượt từ giáo phận Bà Rịa, giáo phận Xuân Lộc, đến giáo phận Long Xuyên, giáo phận Đà Lạt,  giáo phận Vĩnh Long, giáo phận Mỹ Tho, giáo phận Cần Thơ, cuối cùng giáo phận Phan Thiết. Các ngài nêu lên từ những mặt tích cực đến những mặt còn hạn chế, bầu khí chia sẻ thật sôi động, thao thức, ưu tư và trăn trở. Một đóng góp nổi bật của vị linh mục cao niên là cha Giuse Nguyễn Văn Chữ thuộc giáo phận Phan Thiết được nhiều người trong Hội nghị tán thành và là giải pháp phù hợp với đường lối mục vụ  Giáo hội Á Châu (FABC) đã thực hiện suốt 40 năm qua. Đó là Cộng đoàn cơ bản, đặt Đức Giêsu làm trung tâm. Khởi đi từ một nhóm nhỏ, chỉ cần quy tụ một số ít người có thiện chí, từng bước âm thầm, từ từ, chậm nhưng chắc.

    Kế tiếp, cha Thư ký UBMVGĐ gợi ý đề tài : “Gia đình, mái ấm cho những trái tim bị thương tích”. Hiện nay, các gia đình đang đối diện với nhiều thương tich như khó khăn về kinh tế  dẫn đến tình trang di dân. Do đó, môt số gia đình ở một vài giáo phận chỉ có người lớn tuổi, trẻ em ở nhà, còn người trẻ đi phương xa làm kinh tế, tương quan của gia đình ảnh hưởng do “xa mặt cách lòng”; Hôn nhân khác đạo mà không có phép chuẩn... Đời sống đức tin bị sa sút trầm trọng bởi áp lực cuộc sống…

    Nối kết bằng một thánh lễ đồng tế tại Tòa Giám mục. Trong phần giảng lễ, Cha Thư Ký UBMVGĐ kể một câu chuyện về chứng từ tình yêu: “Sống trong một gia đình gặp nhiều đau khổ, cô con gái có một người bạn Công Giáo thấy người bạn mình sống vui vẻ hạnh phúc nên cô ta xin theo đạo Công Giáo. Khi người bố trong gia đình biết được thì càng cư xử khắc nghiệt hơn với người con của mình. Ông ta nghĩ rằng : “Trên đời này làm gì có Ông Trời, vì nếu có, sao Ông Trời để cho gia đình ông lâm vào cảnh khốn khổ thế này!”  Cho nên ông rất hận đời. Cô con gái  bị cha đối xử cay nghiệt nên muốn bỏ nhà ra đi, cô bày tỏ ý định đó với cha xứ ở gần nhà. Vị linh mục khuyên can cô đừng có bỏ nhà, và có ý định đến thăm người cha của cô, cô gái ngăn cản vì biết bố mình sẽ chống đối. Vị linh mục âm thầm đến thăm khi cô gái vắng nhà. Đến nhà, vị linh mục chứng kiến ông bố cô gái bị tách riêng, ở một bên chái nhà, vì gia đình sợ bị lây căn bệnh phong cùi của ông. Ông ta phản đối cuộc viếng thăm này. Vị linh mục không sờn lòng, tiếp tục cầu nguyện, thăm viếng và có ý muốn giúp đưa ông đi chữa bệnh. Cuộc viếng thăm lần thứ hai cũng thất bại. Đến lần thứ ba, vị linh mục chạm đến lòng trắc ẩn của ông, nêu lý do ông cần đi chữa  bệnh để các con gái của ông không bị ế chồng. Vì nếu ông không chữa bệnh thì những bạn trai của con cái ông đến nhà, thấy tình trạng của ông như vậy thì làm sao mà dám tiến tới hôn nhân. Sau  khi suy nghĩ, ông đồng ý nghe lời linh mục và chấp nhận đến Trại Phong Cùi Bến Cát để chữa trị.  Ở nơi đây, ông nhận thấy những người mắc bệnh cùi như ông vui vẻ chấp nhận bệnh tật và ông nhận ra lòng quảng đại của các Soeurs hết lòng chăm sóc. Dần dần ông nhận ra nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa thì làm sao có nhiều người sẵn sang hy sinh phục vụ cả đời cho những người bất hạnh như ông. Không những ông  xin gia nhập đạo Công giáo, mà còn kêu gọi cả gia đình theo đạo Công giáo nữa. Đến khi sắp qua đời, còn một người con gái thứ ba chưa gia nhập đạo, ông trối lại điều mong ước đó cho gia đình. Sau khi bố mất một thời gian thì cả nhà của người con gái thứ ba đã được chịu phép Thánh Tẩy.

    Hoi nghi MVGD giao tinh Sai Gon 03

    Tạ ơn Chúa, trong bối cảnh khủng hoảng đức tin của các gia đình, vẫn còn đó những chứng tá tình yêu từ tu sĩ, linh mục, giáo dân tỏa sáng. Câu chuyện này đã thêm lửa, thêm niềm hy vọng cho những  ai nhiệt thành dấn thân trong lãnh vực gia đình.

    Phiên họp buổi chiều được cha Luy Tuấn hướng dẫn gợi ý mục vụ “Cho những người đã ly thân, ly dị và sống chung bất hợp luật “.

    Ngài chia sẻ: Tình hình ly thân ly dị, nhiều tài liệu nói về sự đổ vỡ gia đình với con số thống kê là 30% ly dị. Nhưng thực tế khoảng 50%. Trong số đó, 27% là do bất đồng     quan điểm về nhân sinh quan và vũ trụ quan.  Nguyên nhân kế tiếp chiếm 25% do ngoại tình. Tiếp đến, ngài đề cập mục vụ ly dị tái hôn và không tái hôn (FC 84). Những cuộc hôn nhân với người nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc… rất phức tạp và có nguy cơ đổ vỡ rất cao. Bởi sự hiểu biết của người vùng quê quá thấp, cho nên vì yếu tố kinh tế mà họ khinh thường cả những giá trị thiêng liêng cao quý và hạnh phúc của con cái. Ngài cũng nêu câu chuyện có người can đảm sẵn sàng từ chối những công việc có địa vị có quyền lợi để sống chung thủy với vợ qua câu nói: “Thà bỏ mọi sự chứ làm sao bỏ vợ được”. Vẫn còn đó những đóa sen tỏa hương sắc dù cho bộ rễ đâm sâu trong bùn lầy…

    Sau phần gợi ý, quý cha các giáo phận nêu lên hoàn cảnh cụ thể của từng nố để trao đổi hướng giải quyết. Các đại biểu khác đóng góp ý kiến để làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên không có hướng mục vụ để giải quyết chung cho mọi việc, mọi nơi, nhưng tùy thuộc vào Giám mục, đấng bản quyền của địa phương.

    Đúc kết hai buổi trao đổi với 3 ý chính:

    • Do hoàn cảnh của đất nước, của xã hội dẫn đến tình trạng đức tin đang bị xói mòn làm cho các gia đình thích sống theo thói thế tục. Bằng mọi giá, chúng ta nỗ lực vực dậy tùy theo điều kiện, sáng kiến riêng của từng giáo phận.
    • Phương cách vực dậy khởi đi từ việc thiết lập những nhóm nhỏ như các cộng đoàn cơ bản, đặt Đức Kitô làm trọng tâm, lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa, và  sống đức ái với nhau.
    • Các giáo phận nên có môt Văn phòng để lắng nghe và tư vấn, và cũng nên lập một trang Web để giúp đỡ những cá nhân, gia đình đang bị thương tích. Nên chọn một vài ngày trong năm có cuộc gặp gỡ chung giữa cha, mẹ, con cái, để tạo cơ hội cho các gia đình củng cố các mối tương quan trong đời sống hôn nhân và gia đình.

    Kết thúc một ngày làm việc cha Tổng Đại diện mời đoàn về thăm giáo xứ Long Hương của ngài. Đây là cơ hội để các đại biểu đi thực tế và tiếp tục trao đổi, gia tăng mối tương giao gắn bó với nhau trong lãnh vực mục vụ gia đình của Giáo tỉnh Sài Gòn.

    Phanxicô Xavie Trần Anh Dũng

    Rate this item
    (0 votes)
    © 2018 Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục. Designed By JBosS

    Please publish modules in offcanvas position.